Lịch sử vị trí địa lý của thủ đô Seoul Hàn Quốc

Trần Mạnh Linh

Seoul

Bản đồ thủ đô Seoul năm 1900 

Thủ đô của Cao Ly (Triều Tiên) cũ là Khai Thành và Thủ đô hiện nay là Hán Dương đều có một lịch sử gắn với phong thủy.

Theo truyền thuyết thì trước khi xây dựng kinh đô vua Cao Ly đã cho mời một nhà phong thủy nổi danh về để tầm long điểm huyệt nhằm chọn được một thế đất tốt cho công cuộc kiến thiết của mình. Nhà phong thủy này sau khi tới Khai Thành liền xác định ngay nơi đây là một cuộc đất rất quý đáng được trở thành kinh đô ngàn năm vững bền. Nhưng vì lúc ấy trời không trong sáng lắm, sau khi quan sát kỹ càng địa thế ông nhìn bầu trời và nói “Bất xảo, bất năng viễn diểu” tức là không xảo nghệ không nhìn xa được nên quyết định quay về. Sáng sớm hôm sau ông quay lại, đợi đến khi trời quang mây sáng nhìn kỹ quang cảnh toàn cục nhà Phong thủy rất ưng ý. Tuy nhiên có một điểm nằm trong địa thế của toàn cục khiến ông phân vân. Đó chính là ngọn núi ở về phía Đông nam (phương Tốn) của Khai Thành. Ngọn núi này cao lớn lại chúi đầu nghiêng về phía Khai Thành mang đầy sát khí. Theo lý luận của khoa phong thủy thì ngọn núi này có địa thế như nhìn trộm về phía Khai Thành, vì vậy nó có tên là “Khuy phong sơn” đó là điểm bất xảo diệu cho thế đất ngàn năm kiến tạo đế đô. Khuy phong nghĩa là đạo tặc (ngọn núi giặc cướp) hoặc đạo phong (trộm cắp). Ngọn khuy phong sơn ấy muốn cướp đọat vượng khí của Khai Thành. Vì vậy sau khi xem xét kỹ địa thế và khảo sát cẩn thận ngọn khuy phong sơn đó, ông bèn tâu lên nhà vua Cao Ly rằng: Nếu muốn kiên trì kiến tạo đế đô ở đây thì phải vận dụng phép yểm trấn của phong thủy đối với ngọn khuy phong sơn ấy, đồng thời cho phép ông tiến hành một số biện pháp để bổ sung những chỗ bất túc của vùng bảo địa này. Sau khi được nhà vua phê chuẩn và quyết định xây dựng kinh đô, ông liền cho đặt một ngọn đèn thường trực tại ngay đỉnh ngọn núi đó. Mặt khác tại phương Đông Nam – Tốn, ông cho bố trí 12 con chó sắt nhìn thẳng về phía khuy phong sơn tạo thành thế “Đăng minh khuyển phệ” (đèn sáng thì chó sủa) như thế thì đạo tặc và tặc phong sẽ mất hết tác dụng. Biện pháp này đã khiến cho kinh đô Khai Thành phát triển và thịnh vượng trong suốt hơn 500 năm. Nhưng rồi biện pháp yểm trấn đó cũng đến thời kỳ hết hiệu lực, ước chừng khoảng 30 năm trước khi Thái tổ Lý Thành Quế lên ngôi bỗng có một trận sét lớn đánh thẳng vào đỉnh ngọn Khuy phong mạnh tới mức khiến cho nó bị chẻ ra làm 3 mảnh như 3 mũi đao nhọn dựng thẳng đứng, khí thế hùng cường khiến muôn vật đều khiếp sợ (do 3 ngọn nha đao đó mà vùng núi ấy ngày nay được gọi là “Tam giác sơn”).

Ba mũi đao này đã làm mất hết tác dụng của ngọn đèn và lũ chó. Cũng chính vì thế, Thái tổ Lý Thành Quế (*) sau khi lên ngôi liền quyết định rời đô đến Hán Dương (tức là Thủ đôSeoul ngày nay).

Việc dời đô được tiến hành vào năm 1392, nhưng khi bàn đến quyết định về hướng cửa khuyết của cung nhà vua đã nẩy ra sự mâu thuẫn và bất thống nhất giữa hai vị đại thần đầu triều của của triều đại nhà Lý, đó là Quốc sư Vô Học Tự Siêu (1327 – 1405) và Cao thần Trịnh Đạo Vân. Quốc sư Vô Học Tự Siêu chủ trương cung khuyết của nhà vua lấy tọa Dậu hướng Mão, (phân kim Đinh Dậu, Đinh Mão), dùng núi Nhân Vượng làm chấn sơn (Án). Lấy Nam sơn Bắc Nhạc làm tay Long tay Hổ. Phản đối chủ trương ấy Cao thần Trịnh Đạo Vân lấy tục lệ từ xưa cung khuyết của nhà Vua đều hướng về phương Nam mà chưa hề có hướng Đông (Mão) bao giờ. Cuối cùng ý kiến của Trịnh Đạo Vân được Thái tổ Lý Thành Quế chấp nhận. Kinh đô được xây dựng với Cung Khuyết của nhà Vua theo sự chỉ đạo của Trịnh Đạo Vân là Tọa Nhâm hướng Bính (tức quay về phươngNam).

Cũng theo truyền thuyết thì sau khi ý kiến của mình bị bác bỏ Vô Học Tự Siêu có nói lại một câu rằng “Sau 200 năm nữa, nhân dân sẽ thấy rõ lời phán đoán của tôi là chính xác”, và thực tế thì triều đại Nhà Lý đã tồn tại kéo dài được gần 5 đời sau đó phát sinh đại họa tiếm quyền. Vậy cuối cùng phải chăng ý kiến của Vô Học Tự Siêu là chuẩn xác?

Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta hãy xem xét cụ thể dưới góc độ của môn Phong thủy. Thực chất thành Hán dương có Bản quái cục là Càn hay nói cách khác là mạch từ phương Càn – Tây Bắc đến nhập thủ (Hợi long), Tích đường khí ra quái Chấn “Chấn dĩ cổ chi, phát động như lôi”, lại thuộc xứ lạnh (Đại hàn) là Âm cục chạy lùi số. Nếu chọn phương án tọa Dậu hướng Mão thì vào cách “Lư tiên nhập thủ” quẻ Lôi Hỏa Phong động hào 5 biến thành quẻ Trạch Hỏa Cách. Quẻ Phong có lời Soán nói rằng: “Phong hanh, Vương cách chi, vật ưu, nghi nhật trung” tức là Phong hanh thông, Vua đạt đến đó, đừng buồn, hãy như mặt trời đứng bóng. Điều này nói lên rằng, Phong tượng trưng cho thời kỳ sáng suốt và tiến bộ, phát sinh sự to lớn và thịnh vượng cho đất nước, tuy nhiên theo quy luật của tự nhiên thì phàm sự vật thịnh quá rồi tất suy, “Nhật trung” mặt trời ở chính giữa bầu trời tất sẽ ngả về tây, như mặt trăng tròn đầy tất sẽ khuyết, trời đất còn có tròn có khuyết, thay nhau sinh diệt huống hồ là con người, nên quẻ Phong dù có hanh thông vẫn chỉ ra rằng “Vương cách chi, vật ưu, nghi nhật trung” vậy.

Lại xét nếu chọn phương án tọa Nhâm hướng Bính sẽ vào cách “Vân long phong Hổ” quẻ Phong Sơn Tiểu Súc động hào 5 biến thành quẻ Sơn Thiên Đại Súc. Quẻ Tiểu Súc là tích trữ nhỏ biến thành Đại Súc là tích trữ lớn. Mặt khác Vân long phong hổ là thế Rồng mây gặp hội, Hổ Báo phùng phong, hết sức thuận lợi và phát triển, chắc chắn sẽ đưa đất nước tiến lên như Rồng gặp nước. Tuy nhiên quẻ Tiểu Súc còn có một chút trở ngại. Lời Soán của quẻ Tiểu Súc nói rằng: “Tiểu súc hanh, mật vân bất vũ, tự ngã tây giao” nghĩa là Tiểu súc hanh thông, nhưng mây dầy mà vẫn chưa mưa, tự mình phải quan hệ với phương tây thì mới có lợi. Nói cách khác thì Tiểu súc là sự hanh thông, nhưng mới là cái hanh thông trong sự tích lũy, vẫn ở trạng thái chờ đợi dạng thế năng, muốn có kết quả tức thế năng biến thành động năng thì phải trải qua một giai đọan vướng mắc như mây dầy trước cơn dông mà chưa mưa, hãy tự tiến hành những hoạt động giao dịch với phía tây thì tình trạng ấy sẽ qua và sẽ tốt đẹp. Điều này cũng giống như của quẻ Phong đều dự báo cho sự tồn tại và sụp đổ của một vương triều. Tuy nhiên thời gian dài ngắn cũng có sự chênh lệch khác nhau nhất định giữa hai thế trên. Theo quẻ Tiểu Súc thì thời gian tồn tại không quá 170 năm (từ khoảng 120 – 170 năm) tức là trong khoảng xấp xỉ 5 đời. (Càn 1 + Tốn 5 = 6 x 2 = 12 x 10 = 120 năm. Nếu cộng thêm hào động 5 x 10 = 50 thì thành 170 năm). Theo quẻ Phong thì thời gian tồn tại cũng bất quá không vượt được 190 năm (từ khoảng 140 – 190 năm). Tức là khoảng 6, 7 đời. (Chấn 4 + Ly 3 = 7 x2 = 14 x 10 = 140 năm. Nếu cộng thêm hào động 5 x 10 = 50 thì thành 190 năm như đã nêu trên). Tuy nhiên theo phương án này có quẻ Phong biến thành quẻ Cách thì đất nước Cao Ly sau đó sẽ rơi vào tình trạng như Bắc Triều Tiên hiện nay (Cách là Cách mạng, là sự thay đổi, lật đổ, là sự tiến hóa đột biến không phải thường biến). Còn phương án tọa Nhâm hướng Bính thì có quẻ Tiểu Súc biến thành Đại Súc là sự biến đổi tuần tự, thông thường, là thường biến chứ không phải là đột biến, không phải là cách mạng. Và đúng như lời soán của quẻ Tiểu Súc phải “Tự ngã tây giao” mới đem lại sự thành công nhanh chóng và thuận lợi. Thực tế lịch sử đã chứng minh cho điều dự báo thần kỳ của môn Phong thủy – Dịch.

Trở lại nói thêm một chút về thành Hán dương với những hoạt động Phong thủy. Đó là việc những nhà Phong thủy phát hiện ra ở phía Namthành Hán dương có một ngọn núi gọi là “Quan Nhạc Sơn” có hình dáng giống như một người đội mũ. Ngọn núi đó thuộc hình Hỏa (Liêm trinh) lại án ngữ tại phương Nam (cung Ly) do đó các cung điện của Cảnh Phúc trong thành Hán dương thường hay phát sinh hỏa hoạn. Các nhà Phong thủy đời sau cho rằng Hỏa tai đó là do Hỏa tinh sơn tác oai tác quái làm những điều mờ ám nên đã tiến hành các biện pháp hóa giải. Họ đem những bình nước chôn vào các xứ ở dưới chân ngọn núi nhằm dụng “Dĩ thủy trấn hỏa pháp” một trong những thuật yểm thắng của khoa Phong thủy để xử lý. Ngoài ra ở trước cửa chính của cung Cảnh Phúc và Quang Hóa môn mỗi cửa còn đặt một con vật yểm trấn gọi là Tỵ tà vật để ngăn chặn sự xâm nhập của Hỏa tinh sơn không cho làm bậy mà gây ra hỏa tai nữa. Thật thần kỳ, sau khi thực hiện những kỹ thuật yểm trấn này thành Hán dương không còn những nạn đại hỏa như trước nữa. Những vật yểm trấn tại cửa cung Cảnh Phúc và Quan Hóa môn đến nay vẫn còn. Nếu ai đó đi du lịch đến thủ đôSeoul có thể qua thăm quan và chiêm ngưỡng.

——————————————————–

Chú thích (*): Có một số quan điểm cho rằng Vua Lý thái tổ của Cao Ly có nguồn gốc liên quan tới nhà Lý ở Việt Nam.

+ Vua Thái tổ Lý Thành Quế (Cao Ly) lên ngôi ở vào Thế kỷ thứ 14. Vua Thái tổ của nhà Lý ở Việt nam lên ngôi vào thế kỷ thứ 11. Năm 1010 Thái tổ Lý Công Uẩn quyết định dời đô về Thăng Long (Hà Nội). Đến đầu thế kỷ thứ 13 bị nhà Trần cướp ngôi, hậu duệ nhà Lý phải phiêu bạt sang Cao Ly.

+ Giữa Thái tổ Lý Công Uẩn (Việt Nam) và Thái tổ Lý Thành Quế (Cao Ly) có nhiều điểm tương đồng:

            – Cùng là vị Vua khai sáng triều đại

            – Cùng ra chiếu dời đô

            – Cùng hết sức mến mộ khoa phong thủy

+ Cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, họ Lý ở Triều Tiên đã về CHXHCN Việt Nam thăm Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý (ở xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Tuy nhiên đó chỉ là một số quan điểm cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào chứng minh điều đó.

Các tin bài khác

  • Chuyên mục

  • Bài mới

  • Tags