Hành trình về phương Nam


Phạm Hồng Kiên

 

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi lại khăn gói lên đường. Gần một trăm thành viên Câu lạc bộ Kinh Dịch UNESCO Hà Nội lên đường Nam tiến theo con đường mà tổ tiên chúng ta đã khai mở bờ cõi và văn hóa Việt Nam.

 

Cố đô Huế

Có lẽ không ở đâu trên đất nước này có sức hấp dẫn những người mê khảo cứu văn hóa như Huế, nơi mà đền đài lăng tẩm nguy nga trong cảnh sơn thủy hữu tình hòa quyện cùng nét bình dị như dĩa cơm hến xinh xinh, như giọng nói êm ái nhẹ nhàng của người thiếu nữ, tạo nên một cái gì đó ‘rất Huế’. Chính vì sức hấp dẫn đó mà chúng tôi tuy đã thăm Huế nhiều lần nhưng vẫn muốn trở lại. Trân trọng và nâng niu Huế, chúng tôi càng thấm thía rằng sẽ không có Huế, và cả những gì rất Huế, nếu không có câu “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tám chữ vàng này không chỉ quyết định số phận một đời người như trong môn Bát tự, mà nó đã mở ra cho dân tộc Việt Nam một con đường sáng, con đường Nam tiến. Không chỉ là giải quyết sự kình địch nhất thời giữa Nguyễn Hoàng với Trịnh Kiểm mà còn định ra một đại chiến lược cho dân tộc trong cả ngàn năm sau, kể cả tới thời điểm hiện tại cũng như tương lai, khi Việt Nam cần phải thoát ly khỏi ảnh hưởng về chính trị và quân sự từ quốc gia hùng mạnh phương Bắc.

 

Vua Gia LongChúng tôi đã tới xã Hương Thọ thăm lăng Gia Long, chiêm ngưỡng thế đất phong thủy tú mỹ ôm bọc bởi hai nhánh con sông Hương thơ mộng. Lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến thủy Phá Quân, một cách cục rất khác so với các sách vở địa lý thông thường. Mới thấy tạo hóa thiên nhiên thật kì diệu biết bao, phàm đã kết thành huyệt thì mọi yếu tố đều hoàn chỉnh. Ở đây chúng tôi cũng được nghe kể về sự tích của lăng Gia Long. Tương truyền Lê Quý Thanh, con trai của nhà bác học Lê Quý Đôn, được giao nhiệm vụ tầm long điểm huyệt cho vua Gia Long, ròng rã mấy năm trời ông đã tìm ra cuộc đất đẹp như mơ này. Chút cá nhân nổi lên, ông muốn giữ lấy huyệt này cho gia tộc mình nên đã chỉ sang gò án của huyệt và bảo với Gia Long đó chính là huyệt. Vốn là người thông minh, lại được phúc dày của tổ tiên luôn che chở dẫn dắt, vua xem xét một hồi rồi vặn lại Quý Thanh, ‘mi bảo đó là huyệt, vậy Long Hổ của ta đâu?’, Quý Thanh luống cuống cứng lưỡi. Bấy giờ voi của Gia Long cứ đứng một chỗ, giục mãi cũng không chịu đi, vua hiểu ngay chỗ voi đứng mới là đích huyệt, liền quát mắng Quý Thanh rằng: mi dám gạt trẫm sao, có phải mi muốn giành lấy huyệt này để táng cho cha ngươi không? Bèn thét quân sĩ lôi Quý Thanh ra chém. May nhờ các quan đi cùng xin giúp nên phong thủy sư đã thoát khỏi tội chết. Về sau khi thăm lăng trong quá trình xây dựng, Gia Long bị vật liệu rơi trúng suýt chết. Ông đã không trừng phạt quân sĩ mà còn khao thưởng họ, có thể thấy về văn hóa tâm linh ông là một người hiểu biết rất sâu sắc. Mà cũng nhờ thế ông mới có thể tồn tại được khi phải chung vòm trời với một anh hùng xuất chúng như Nguyễn Huệ.

Tiếp theo đoàn đã khảo cứu lăng Tự Đức, hiểu được tại sao phong thủy của thế đất này gây ra nhiều người hoàng tộc chết trẻ trong các thế hệ sau, sau đó phần lớn đoàn ở lại Huế tiếp tục nghiên cứu, trong khi một nhóm anh em lại tiếp tục lên đường vào Quảng Ngãi rồi ra đảo Lý Sơn, tiếp tục cuộc hành trình khám phá văn hóa theo bước đường Nam tiến.

 

Ra tiền đồn biển Đông, gặp nghệ nhân mộ gió

Hải đội Hoàng Sa

Dừng chân tại khách sạn Đồng Khánh của thành phố Quảng Ngãi, các vị vua triều Nguyễn như tiếp tục dẫn dắt chúng tôi, để ra đảo Lý Sơn tức Cù Lao Ré, nơi đồn trú của Hải đội Hoàng Sa do vua Gia Long thành lập. Ngày ấy theo lệnh của vua Gia Long, Hải đội Hoàng Sa thường xuyên thực hiện các chuyến hải hành từ Cù Lao Ré ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc thủy trình và thu thập tài vật từ các con thuyền bị đắm khi đi qua vùng nước dữ này. Cũng là Hải đội Hoàng Sa đã dựng những tấm bia đầu tiên xác định chủ quyền đất nước trên quần đảo cùng tên. Có thể nói, một đời bôn ba nước ngoài của vua Gia Long đã cho ông một tầm nhìn rất xa về biển và hải đảo, khi mà các nước khác trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, còn chưa nhận ra giá trị của chúng. Công lao của Gia Long đối với chủ quyền trên biển Đông của nước ta là vô cùng to lớn. Mặt khác, là người vào sinh ra tử, rất biết quý trọng sỹ tốt, lại có sự quan tâm sâu sắc tới các vấn đề tâm linh, đích thân vua Gia Long đã chỉ đạo cho một phong thủy sư dạy dân đảo Lý Sơn cách thức làm mộ gió để an táng cho những chiến sĩ Hải đội Hoàng Sa hy sinh trên biển, vốn không có xác để an táng theo cách thông thường. Chúng tôi vẫn chưa tìm hiểu được phong thủy sư kia có phải là Lê Quý Thanh? và tên họ của người được phong thủy sư chọn để truyền thụ pháp thuật này. Nhưng chúng tôi đã gặp truyền nhân của họ vẫn đang bảo tồn và duy trì nghệ thuật làm mộ gió phục vụ cho ngư dân và cả người bình thường bị mất xác, đó là hai bố con ông Võ Văn Toại và anh Võ Văn Nhành.

Trước mặt chúng tôi là một tráng niên với thân hình rắn rỏi và nước da rám nắng của người miền biển. Anh trông giống như những ngư dân Lý Sơn vẫn đang ngày đêm bám biển. Đôi lúc anh lại gợi cho chúng tôi hình ảnh của người lính Hải đội Hoàng Sa khi xưa. Được biết đoàn khảo cứu văn hóa của CLB Kinh Dịch UNESCO Hà Nội tới thăm với mục đích tìm hiểu về nghệ thuật làm mộ gió bí truyền của gia đình, anh Võ Văn Nhành trở nên cởi mở. Anh cho biết bố anh, cụ Võ Văn Toại có 3 người con trai, nhưng chỉ có anh là theo được môn này, vì nó đòi hỏi phải là người có duyên để lĩnh hội cũng như có pháp lực để có thể dùng thần chú điều khiển và giao tiếp với thế giới bên kia. Cụ Toại tuổi đã cao, nụ cười tuy móm mém nhưng rất tươi. Hàng ngày cụ chỉ quanh quẩn bầu bạn với mấy ông bạn hàng xóm, mọi việc về mộ gió đều giao anh Nhành đảm trách. Mới cuối năm ngoái đây thôi, anh Nhành phải làm mộ cho 4 ngư dân Lý Sơn đắm tàu mất tích trên biển. Cuộc đời mưu sinh của ngư dân đầy rẫy những hiểm nguy bấp bênh, và công việc của cha con anh Nhành đã cứu giúp những linh hồn xấu số được trở về với đất mẹ, làm vơi bớt dòng nước mắt của thân nhân họ.

Trước sự tha thiết của chúng tôi, anh Nhành đã đồng ý thực hiện mẫu các nghi lễ của một cuộc làm mộ gió cho chúng tôi khảo cứu. Anh hẹn chúng tôi hôm sau quay lại, vì có nhiều công việc phải chuẩn bị như lấy đất ở miệng ngọn núi lửa đã tắt trên đảo để làm thân mình của hình nhân, lấy gỗ dâu làm xương, than sầu đông làm ngũ tạng, rồi thì viết bùa, dựng phướn. Công việc quả là cầu kỳ, và càng tăng sự hấp dẫn với chúng tôi. Tới hôm sau, gặp lại anh Nhành mà chúng tôi tưởng như một người khác. Trong bộ lễ phục mũ mão chỉnh tề, anh đã hóa thân thành một pháp sư mà uy quyền vươn tới tận thế giới bên kia, vươn tới cả những vùng biển và hải đảo xa xôi. Mặc dù căn lều làm lễ được dựng ở một khu đất vắng, nhưng khi biết anh Nhành hành lễ, không chỉ chúng tôi mà cả người lớn và trẻ em địa phương cũng tò mò kéo tới xem, đó là vì tất cả các cuộc làm mộ gió trước đây đều thực hiện hoàn toàn kín đáo cho nội bộ gia đình người xấu số, người ngoài không được xem.

Mà không chỉ có vậy, trong cảnh hành lễ với những câu thần chú thầm thì hòa cùng tiếng gió biển, dường như có đông đảo các vong linh cũng tụ họp nơi đây, hoặc để nghe lệnh, hoặc để thỏa tính hiếu kỳ – như chúng ta vậy, hoặc để hưởng thụ những đồ được chuẩn bị cầu kì trên 3 mâm lễ mà chúng tôi phải hoa cả mắt mới đếm ra được. Sau thao tác đánh đất, tức cho đất và bông gòn vào cối giã nhuyễn ra, là tới công đoạn nặn hình nhân. Anh Nhành bỗng chốc trở thành một nghệ nhân tạc tượng, từ vành tai, khóe mắt, cho tới cả những tiểu tiết như cái ti, cái rốn, và cái … ấy lần lượt hiện ra sinh động dưới đôi tay khỏe khoắn và điêu luyện. Cho đến những công đoạn tạo xương, gân và ngũ tạng thì chúng tôi hết sức khâm phục sự cầu kì và chu đáo của người làm mộ gió, từng đốt xương ngón tay, xương ngón chân nhỏ xíu được gắn vào tượng đất một cách rất cẩn thận kỹ lưỡng. Thông thường một cuộc làm mộ gió cũng phải mất trọn một ngày, sau khi hành lễ và nặn hình nhân xong, việc chôn cất diễn ra bình thường. Chúng tôi có đến thăm mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh của Hải đội Hoàng Sa khi xưa, trên bề mặt thì như một ngôi mộ bình thường, nhưng bên dưới chính là hình nhân của cụ được tổ sư của gia đình anh Nhành thực hiện.

Mộ gió Lý Sơn

Có thể nói nghệ thuật làm mộ gió mà gia đình anh Võ Văn Nhành lưu giữ lại là một nét văn hóa tâm linh vô cùng đặc sắc và độc đáo của huyện đảo Lý Sơn nói riêng và Việt Nam ta nói chung. Nó thể hiện tính nhân văn sâu sắc giữa những vật lộn sinh tồn và khát vọng biển cả của dân tộc Việt. Theo quan niệm truyền thống, chết mất xác là một vết thương tâm linh cho người xấu số cũng như thân nhân họ, những công việc của anh Nhành và tiền nhân đã góp phần hàn gắn những vết thương đó. Trong đoàn chúng tôi nói vui rằng Bin Laden mới bị Mỹ thả xác xuống biển mất tích, dù ông ta có thế nào thì nghĩa tử là nghĩa tận, có lẽ người Ảrập Hồi giáo phải tới Lý Sơn của Việt Nam để nhờ làm mộ gió mới phải.

 

Trở về và suy ngẫm

Hành trình theo chân vó ngựa Nguyễn Hoàng của chúng tôi tạm dừng ở Quảng Ngãi. Trở về với thủ đô mà lòng còn bao trăn trở, khi đúng vào thời điểm chúng tôi ở Lý Sơn thì tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm trái phép và gây hấn tàu thuyền trong lãnh hải của chúng ta. Tàu Trung Quốc bắn tàu cá ngư dân Phú Yên tại Trường Sa, cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh. Trước đó thì xâm nhập cách biển Thuận An (Huế) có 20 hải lý, cách Lý Sơn có 5 hải lý.

Càng thấm thía với tinh thần Nam tiến của cha ông xưa, Nam tiến để giảm sự lệ thuộc, để hướng tới sự tự do như Tôn Ngộ Không thoát khỏi vòng kim cô. Chẳng phải tiền đề của Nam tiến đã được xác lập cách đây 1000 năm khi vua Lý Công Uẩn định đô ở Thăng Long với bản quái cục Ly Hỏa ư?

Rồng Nhà Lý

Tiếc rằng thủ đô Thăng Long với tư cách là cái nôi của Nam tiến, đồng thời là trái tim của cả nước, đã bị đổi tên thành Hà Nội dưới triều vua Minh Mạng. Trước kia tôi vẫn không để ý lắm đến cái tên này, cho tới khi một người bạn Trung Quốc của tôi chỉ ra rằng Hà Nội có nghĩa là “Inside the River” (bên trong dòng sông), như vậy thì khác với tên Thăng Long có tính chất Hỏa (thăng lên) rất phù hợp, cái tên Hà Nội vô hình chung đã đem Thủy khí dập tắt Hỏa cục của cuộc đất. Suốt một ngàn năm Thăng Long nước ta độc lập và mở mang bờ cõi, chưa đầy hai trăm năm Hà Nội thì bị đô hộ và chiến tranh tới hơn một trăm năm. Hy vọng một ngày nào đó cái tên Thăng Long được trả lại cho thủ đô yêu dấu, để dân tộc ta lại tiếp tục cuộc hành trình Nam tiến. Mà lần này không phải là Nam tiến về địa giới vì nó đã được hoàn tất. Cái chúng ta cần bây giờ, như lời giáo sư Cao Huy Thuần (Đại học Paris), là Nam tiến trong tư tưởng.

Một vấn đề khác cần phải xem xét lại, đó là khi xây thành Thăng Long cha ông ta đã kiến tạo con đường đâm thẳng tắp tại phương Ly, phương Sinh khí của bản cục, mà ngày nay là con đường Lê Duẩn. Đó là hình tượng mũi tên bắn ra vạn dặm một cách kiêu hùng. Nhưng cũng có câu ngạn ngữ rằng, có mũi tên nào bắn lên mà cuối cùng không rơi xuống đất? Phải chăng nếu như con đường đó thay vì thẳng tắp mà chi huyền một hai khúc, thì tuy hành trình Nam tiến của tổ tiên sẽ bị chậm lại đôi chút, nhưng văn hóa mang nét Ấn Độ của dân tộc Chàm sẽ thực sự hòa quyện cùng văn hóa mang nét Trung Hoa của người Việt để con đường Nam tiến thời đó cũng như về sau này đã không phải là con đường chiến tranh mà trở thành con đường hòa bình và trí tuệ!

 

Thăng Long, ngày 30 tháng 8 năm 2011

Phạm Hồng Kiên

 

Các tin bài khác

  • Chuyên mục

  • Bài mới

  • Tags